image banner
Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 bản anh hùng ca bất diệt.
Lượt xem: 205

Mùa thu năm 1945, trong lịch sử của nước ta được gọi là Mùa Thu Cách mạng! Một cuộc cách mạng đã đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ bước vào kỷ nguyên Độc lập - Tự do, thành lập Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

 

anh tin bai

Bức họa Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào ngày 16/8/1945 quyết định tổng khởi nghĩa trong cả nước. 

 

Một nhà báo nước ngoài đã viết: “Cách mạng Tháng Tám có quyền đi vào lịch sử của phong trào cách mạng thế giới, như một trong những mẫu mực tuyệt vời về nghệ thuật cách mạng và sáng tạo cách mạng của quần chúng nhân dân…”.

Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì viết: “Chẳng những người lao động, nhân dân Việt Nam mà cả những người lao động ở các nước bị áp bức khác, cũng có thể tự hào rằng: Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa”.

“Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa”. Có lẽ, chỉ một câu ngắn đó, cũng đủ nói lên vị trí to lớn của Cách mạng Tháng Tám Việt Nam.

Những ngày Tháng Tám đầy sôi động và khẩn trương ấy, chúng ta tự hào những giờ phút đầy thử thách, khó khăn và nghiêm trọng ấy của lịch sử, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Bức thư: “Gửi đồng bào toàn quốc” Bác viết: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh...”. Trước ngày Cách mạng tháng 8 thành công, Bác nhận định: “Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút. Không thể để lỡ cơ hội”. Ngày ấy Nhật chưa đầu hàng đồng minh, nhưng với tầm nhìn chiến lược, Bác đã nói: “Chỉ vài ngày nữa là Nhật hàng và hàng không điều kiện”.

Trong lúc Trung ương đã có Chỉ thị triệu tập gấp Hội nghị toàn quốc của Đảng, thì ngày 13 tháng 8 năm 1945 có tin Nhật đầu hàng đồng minh.

11 giờ đêm ngày 13 tháng 8 năm 1945: Uỷ ban Chỉ huy lâm thời khu giải phóng hạ mệnh lệnh khởi nghĩa cho nhân dân và bộ đội.

Ngày 14 tháng 8 năm 1945: Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc. Bác Hồ vừa dứt cơn sốt, vẫn đến họp. Bác nói: “Cơ hội rất tốt cho ta giành chính quyền Độc lập đã tới!”. Giữa lúc hội nghị đang họp, thì được tin Chính phủ Nhật đã đầu hàng vô điều kiện, đúng như nhận định của Bác. Hội nghị quyết định thành lập Uỷ ban Khởi nghĩa, giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào nước ta giải giáp quân Nhật. Và lập Bộ Tư lệnh quân giải phóng.

Ngày 16 tháng 8 năm 1945: Đại hội đại biểu quốc dân khai mạc ở đình Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, do Tổng bộ Việt Minh triệu tập. Đại hội có 60 đại biểu của cả Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và kiều bào ở nước ngoài.

Đại hội họp ở một gian rộng trong đình Tân Trào. Gian chính giữa triển lãm những vũ khí ta vừa thu được của Nhật. Gian bên kia là chỗ ăn uống của các đại biểu. Hôm ấy, Ban Tổ chức giới thiệu Bác là Cụ Hồ Chí Minh - Một nhà lão thành cách mạng. Nhưng một số đại biểu đã kháo nhau, đó chính là Cụ Nguyễn Ái Quốc.

Sáng ngày 17 tháng 8 năm 1945: Uỷ ban Giải phóng dân tộc ra mắt quốc dân ở trước đình Tân Trào. Bác Hồ, người được đại hội bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Giải phóng dân tộc, đứng giữa các vị đại biểu, cùng mọi người hướng lên lá cờ đỏ sao vàng, đọc lời tuyên thệ.

Ngay sau đại hội lịch sử này, Bác Hồ ra lời kêu gọi nhân dân Tổng khởi nghĩa:

“… Hỡi đồng bào yêu quý!

Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.

Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.

Hà Nội - Những ngày này, sục sôi khí thế cách mạng!

Suốt ngày 17 rồi 18 tháng 8 năm 1945, các cuộc mít tinh, biểu tình diễn ra trong thành phố với những khẩu hiệu của Việt Minh.

 

anh tin bai

 Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội

 

Ngày 19 tháng 8 năm 1945: Một cuộc mít tinh khổng lồ đã diễn ra tại Quảng trường Nhà hát thành phố. Từng đoàn người nối nhau kéo về Quảng trường mỗi lúc một đông. Cờ đỏ sao vàng rợp trời! Theo lời kêu gọi của Uỷ ban Quân sự cách mạng, hàng vạn người kéo vào chiếm trụ sở Uỷ ban của Chính phủ thân Nhật. Đội cảnh vệ ở đây bị tước vũ khí và các thành viên của Uỷ ban này bỏ trốn. Một cánh quân khởi nghĩa khác đánh vào trại Bảo An, chiếm kho vũ khí. Cả Hà Nội về tay nhân dân!

Huế - 23 tháng 8 năm 1945: Biểu tình lớn. Quân khởi nghĩa chiếm Trụ sở của Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim. Trước khí thế của cách mạng, Bảo Đại phải thoái vị.

Ngày 30 tháng 8 năm 1945, trước cổng chính của Hoàng Cung, Vua Bảo Đại mặc hoàng bào thêu rồng, đọc một bài văn đã được chuẩn bị trước: “Tôi muốn làm công dân một nước tự do hơn là làm vua một nước nô lệ”. Và trao cho Đoàn đại diện của Chính phủ Cách mạng chiếc ấn vàng nặng 10kg, thanh kiếm chuôi nạm ngọc bích, tượng trưng cho quyền lực của nhà vua. Lá cờ 3 sọc bị hạ xuống và lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam mới được kéo lên tung bay trước gió, trên kinh thành của chế độ quân chủ đã kéo dài hàng trăm năm.

Sài Gòn - Ngày 18 tháng 8 năm 1945. 50 nghìn đoàn viên thanh niên Tiền phong giương cao cờ đỏ sao vàng kéo về vườn Ông Thượng, với bài ca hùng tráng: “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng. Ta người Việt Nam…”. Ngày 24 tháng 8 năm 1945, hồi 18 giờ theo lệnh của Xứ uỷ, Uỷ ban Khởi nghĩa phát lệnh khởi nghĩa. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, một cuộc tuần hành vũ trang vĩ đại chưa từng thấy của hơn một triệu đồng bào nội ngoại thành, biểu dương sức mạnh của quần chúng cách mạng và sự ủng hộ chính quyền mới. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trưởng đoàn đại biểu của Tổng bộ Việt Minh được phái vào Nam Bộ, kể lại: “Sài Gòn. Trong ánh đèn sáng rực của thành phố, màu đỏ của những lá cờ cách mạng càng lộng lẫy. Uy tín lớn lao của Bác Hồ, đã làm cho nhân tâm quay về một mối. Khối đoàn kết dân tộc lớn rộng hơn bao giờ hết là nền tảng sắt đá của chính quyền cách mạng sơ sinh”.

Trong bức điện ngắn gửi ra Hà Nội, đồng chí Hoàng Quốc Việt viết: “21 tỉnh mà tôi đi qua đều đã giành được chính quyền. Các tỉnh Nam Bộ cũng đã xong!”. Và Hà Nội, trả lời ngắn gọn hơn: “Ngày 2 tháng 9 năm 1945 - Tuyên bố độc lập!”.

Như vậy là chỉ trong 12 ngày, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám trong cả nước đã thành công. Hơn 80 năm nô lệ dưới ách thực dân và chế độ quân chủ kéo dài hàng nghìn năm đã bị một cơn bão táp cách mạng quét sạch!.

77 năm qua, tinh thần cách mạng tháng Tám quật khởi luôn là mạch nguồn bất tận, thấm sâu vào ý chí, tình cảm mọi người dân Việt Nam, đoàn kết chung quanh Đảng, vượt qua bao thử thách, hy sinh, giành thắng lợi to lớn: Đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, chiến thắng giặc đói, giặc dốt, bảo vệ chính quyền non trẻ; trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tạo nên bản anh hùng ca bất hủ của thời đại Hồ Chí Minh.

Ngày 19/8, Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi đã có ảnh hưởng quyết định, cổ vũ, thúc đẩy không khí sôi sục cách mạng trong toàn quốc. Ở Hải Hậu không khí cách mạng hừng hực dâng cao. Tối ngày 20/8, sau khi trực tiếp chỉ đạo giành chính quyền huyện Trực Ninh, ban cán sự triệu tập ông Nguyễn Thiết Giáp về họp bàn mở rộng khởi nghĩa và quyết định cấp tốc huy động lực lượng cách mạng chiếm các phủ huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng.

Ngày 21/8, ông Nguyễn Thiết Giáp từ Trực Ninh trở về, tiến hành ngay việc tập hợp quần chúng ở Quần Phương Trung giành chính quyền huyện. Trong khi đó ông Đặng Xuân Thiều và ông Nguyễn Trường Thuý ở chợ Cồn được tin các nơi đã khởi nghĩa, mặc dù chưa nhận được lệnh của Ban cán sự vẫn chủ động tập hợp lực lượng cách mạng và quần chúng chiếm đồn Đoan Văn Lý, rồi tổ chức mít tinh quần chúng ở chợ Cồn, đồng thời một bộ phận do ông Nguyễn Trường Thuý chỉ huy gồm một số thân sỹ, hào lý địa phương mang theo một khẩu súng đi xe kéo lên phủ. Khoảng 10 giờ đoàn xe kéo tiến thẳng vào cổng phủ. Lúc này tinh thần nha lại đã hoang mang cực độ.

Ở Quần Phương Trung, lực lượng do Nguyễn Thiết Giáp lãnh đạo khởi nghĩa đã chuẩn bị sẵn sàng, khi được tin báo về, tình hình diễn biến ở phủ Hải Hậu, đoàn cấp tốc lên đường nhanh chóng cùng phối hợp với lực lượng Nguyễn Trường Thuý tước vũ khí bọn lính cơ, yêu cầu chúng đầu hàng vô điều kiện. Quân khởi nghĩa giật cờ quẻ ly của chính quyền bù nhìn, kéo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ, nổ súng chào, điểm giờ cáo chung của chế độ thực dân, phong kiến thối nát ở Hải Hậu.

Cách mạng thành công, chính quyền phủ Hải Hậu về tay nhân dân trong niềm hân hoan sung sướng của mọi người. Sáng ngày 23/8/1945, Phủ bộ Việt Minh Hải Hậu tổ chức mít tinh trọng thể tại sân vận động tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng.

77 năm qua, kể từ cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, Đảng bộ và nhân dân Hải Hậu đã sát cánh cùng nhân dân cả nước chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng CNXH; đóng góp công lao của mình vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng vạn thanh niên Hải Hậu đã tình nguyện tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ ác liệt ấy, biết bao người con yêu quý của quê hương đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh anh dũng - đó là những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

Vinh dự tự hào quân, dân Hải Hậu tiếp 4 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, giữ vững 43 năm liên tục là điển hình văn hoá thông tin cấp huyện của cả nước.  Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, giữ vững Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, chính quyền vững mạnh, các đoàn thể là đơn vị tiên tiến xuất sắc của tỉnh.

 

 anh tin bai

 

Kỷ niệm 77 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Hải Hậu ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tự hào về đất nước, về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại; mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng từ huyện đến cơ sở, các cấp chính quyền và mỗi người dân Hải Hậu càng thấy rõ hơn bao giờ hết trách nhiệm to lớn và vinh quang là xây dựng huyện Hải Hậu ngày thêm giàu đẹp, văn minh.  

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Xã Hải Long
Địa chỉ : 
Điện thoại:    * Email: xahailong.hhu@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm: Chủ tịch UBND xã
Chung nhan Tin Nhiem Mang