GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT
ĐẤT
NƯỚC, ĐỈNH CAO CỦA THẮNG LỢI HUY HOÀNG.
……….
Mùa xuân năm 1975, lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi thêm một
chiến công cực kỳ vĩ đại: Trong cuộc quyết chiến thần tốc 55 ngày đêm, ta đã
tiêu diệt, xóa bỏ hoàn toàn bộ máy nguỵ quyền Sài Gòn, đập tan chủ nghĩa thực
dân mới của Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước.
Cùng với Bặch Đằng, Vạn Kiếp, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên
Phủ; cuộc tổng tấn công chiến lược mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch
Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử như một chiến công vĩ đại nhất, hiển hách nhất
trong suốt trên 4 nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, như một
chiến công chói lọi của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, một sự
tích thần kỳ của thế kỷ XX.
Chiến công kỳ diệu mùa xuân năm 1975 đã diễn ra trong thời
gian ngắn 55 ngày đêm, nhưng 55 ngày đêm lịch sử đó chính là kết quả rực rỡ nhất
của cả 21 năm chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, hy sinh, cuả 30 năm bão táp cách
mạng và chiến tranh cách mạng, suốt từ cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
của 45 năm đấu tranh kiên cường, bền bỉ dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng. Chiến
công vẻ vang này là kết tinh sức mạnh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt
Nam.
Thắng lợi huy hoàng của cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân
năm 1975 càng chứng minh sức mạnh vĩ đại của đường lối chính trị, đường lối
quân sự của Đảng ta, chứng minh sức mạnh vĩ đại của chủ nghĩa Mác-Lênin mà Đảng
cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của đất nước. Dưới
ánh sáng đường lối đó, Đảng đã xác định và giữ vững quyết tâm chấp nhận cuộc đụng
đầu lịch sử với tên đế quốc đầu sỏ, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của
toàn dân anh dũng đứng lên chống Mỹ cứu nước.
Ngày 27/01/1973 Hiệp
định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, thể
hiện thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam và phản ánh thất bại hết sức nặng nề
của đế quốc Mỹ. Mỹ buộc phải rút quân đội khỏi miền nam Việt Nam, cam kết tôn
trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta, chấm dứt mọi dính líu quân sự
và can thiệp vào công việc nội bộ của miền nam. Từ đó cục diện quân sự và chính
trị trên cả nước ta cũng như chiến trường miền nam đã có sự thay đổi cơ bản. Xu
thế tất thắng của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền nam đã trở
lên rõ rệt, không thể đảo ngược được.
Tuy nhiên, đế quốc Mỹ và tay sai vẫn ngoan cố theo đuổi âm
mưu áp đặt chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ lên toàn bộ miền nam nước ta. Hiệp định
Pari chưa ráo mực, nhân dân miền nam chưa được hưởng 1 ngày hòa bình thì Mỹ-Nguỵ
đã trắng trợn chà đạp hầu hết các điều khoản chủ yếu của Hiệp định, tiếp tục tiến
hành trên quy mô lớn cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới, chồng chất vô vàn tội
ác đối với đồng bào ta. Chúng liên tiếp đề ra nhiều kế hoạch chiến tranh với mục
tiêu: Trong 3 năm từ năm 1973-1975 phải chiếm hầu hết các vùng giải phóng và đặt
toàn bộ miền nam dưới quyền kiểm soát của chúng. Chúng ôm ấp ảo tưởng bước sang
năm 1976 sẽ có thể ung dung xây dựng và củng cố chế độ thực dân mới của Mỹ ở miền
nam, biến miền nam thành một quốc gia riêng biệt nằm trong quỹ đạo của Mỹ, chia
cắt lâu dài đất nước ta.
Về phía ta, chủ trương nêu cao ngọn cờ hòa bình độc lập
dân tộc, tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pari, song quyết không
dung thứ hành động phá hoại hiệp định, quyết không dung thứ hành động tiếp tục
chiến tranh của Mỹ-Thiệu. Để bảo vệ thành quả cách mạng, thực hiện kỳ được những
mục tiêu cao cả của cách mạng, quân và dân ta đã nắm vững quan điểm cách mạng bạo
lực, kiên quyết dùng chiến tranh cách mạng đánh bại cuộc chiến tranh thực dân
kiểu mới của Mỹ-Nguỵ.
Trải qua 2 năm, từ 1973-1974 quân và dân ta đã giành được
những thắng lợi to lớn trên khắp các chiến trường. Từ tháng 12/1974 đồng bào và
chiến sỹ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền đông nam bộ đã tiêu diệt hàng
nghìn đồn bốt và giải phóng tỉnh Phước Long, tỉnh đầu tiên được hoàn toàn giải
phóng ở miền nam. Những thắng lợi to lớn của quân, dân ta đã đẩy nguỵ quân, nguỵ
quyền vào tình trạng suy yếu toàn diện không thể gượng lại, buộc chúng phải
chuyển về thế phòng ngự chiến lược trên
các chiến trường. Trên miền bắc XHCN trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến
tranh, khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá…đồng thời, tiếp tục động viên sức
người, sức của, kề vai sát cánh với đồng bào và chiến sỹ miền nam, hoàn thành sự
nghiệp cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước.
Trước khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân
ta nổ ra, tinh thần binh lính Nguỵ khủng hoảng, hoang mang, tuy thế địch vẫn
còn lực lượng quân sự mạnh được trang bị hiện đại, chúng ráo riết củng cố cả một
hệ thống kìm kẹp vô cùng tàn bạo từ Trung ương tới cơ sở. Lực lượng địch được bố
trí theo yêu cầu cái gọi là chiến lược "Chiến tranh diện địa" nhằm
"bảo vệ tới mức tối đa an ninh lãnh thổ" với một hệ thống kiểm soát
quân sự gần 8 nghìn đồn, bốt cắm sâu xuống tận xã, ấp. Nhìn chung lực lượng địch
tuy lớn, nhưng bị dàn trải trên địa bàn rộng, bộc lộ nhiều điểm yếu. Trong bối
cảnh lịch sử trên, một cuộc đọ sức cuối cùng giữa ta và địch tất yếu sẽ phải diễn
ra và sự sụp đổ hoàn toàn của nguỵ quân, nguỵ quyền miền nam là không thể tránh
khỏi.
Để đạt được mục đích tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ nguỵ
quân, nguỵ quyền giải phóng hoàn toàn miền nam, quân và dân ta đã mở cuộc tiến
công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Chiến lược của quân và dân ta là cuối cùng
phải đánh một đòn quyết định vào trung tâm đầu não của địch ở Sài Gòn, muốn thế
trước đó cần phải đánh những đòn thật mạnh, tiêu diệt và làm tan vỡ lực lượng
quân sự của địch trên chiến trường Tây Nguyên.
Cuộc tổng tiến công "chiến lược" mở đầu bằng chiến
dịch đại thắng trên hướng Tây Nguyên, đây là một vùng cao nguyên rộng lớn có vị
trí chiến lược cực kỳ quan trọng.
Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh. Ngày
10/3/1975 chiến dịch Tây Nguyên đã bắt đầu bằng trận điểm trúng huyệt Buôn Mê
Thuột. Nắm vững thời cơ, quân ta đã dùng lối đánh táo bạo, bất ngờ, nhanh chóng
cơ động lực lượng vượt qua các tuyến phòng thủ vòng ngoài của Buôn Mê Thuột, tiến
công thẳng vào các mục tiêu chủ yếu trong thị xã, chiếm lĩnh 2 sân bay, tiêu diệt
khu căn cứ thiết giáp, pháo binh, tiểu khu Đắc Lắc, sư đoàn bộ sư đoàn 23. Tới
ngày 11/3 quân ta làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Mê Thuột, tiếp đó đạp tan hoàn
toàn kế hoạch của địch định chiếm lại Buôn Mê Thuột.
Sau thắng lợi Buôn Mê Thuột ta nhận định: "Địch bị thất
bại rất nặng, tinh thần của chúng suy sụp; ta đang đứng trước thời cơ thuận lợi
để phát triển tiến công giành toàn thắng cho chiến dịch". Ngày 24/3 toàn bộ
quân địch rút chạy từ Kon Tum, Plâycu 6 liên đoàn quân biệt động, 3 trung đoàn
thiết giáp cùng các đơn vị binh chủng, quân chủng kỹ thuật khác bị tiêu diệt.
Trận quyết thắng Tây Nguyên đã toàn thắng.
Thắng lợi Tây Nguyên đánh dấu một bước suy sụp mới của Mỹ,
Nguỵ, bước ngoặt trong quá trình phát triển cục diện quân sự và chính trị ở miền
nam. Với chiến thắng Tây Nguyên, cuộc chiến tranh cách mạng đã bước sang giai
đoạn mới; từ tiến công có ý nghĩa chiến lược phát triển thành tổng tiến công
chiến lược trên toàn chiến trường miền nam.
Ngày 22/3 quân giải phóng bắt đầu tiến công Huế từ nhiều
hướng. Sau 4 ngày chiến đấu, ngày 26/3 ta đã hoàn toàn tiêu diệt tập đoàn phòng
ngự Thừa Thiên-Huế, thắng lợi vang dội này là một đòn phủ đầu chí mạng giáng
vào kế hoạch phòng ngự co cụm chiến lược mới của địch ở vùng đồng bằng ven biển
miền trung. Sau khi mất Huế, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố "tử thủ" Đà Nẵng,
một căn cứ liên hợp hải, lục, không quân hiện đại nhất ở miền nam. Quân ta đã
nêu quyết tâm tiến công tiêu diệt căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng, ngày 27/3
các binh đoàn ta nhằm hướng Đà Nẵng tiến quân thần tốc không kể ngày đêm. Ngày
28/3 cuộc tiến công Đà Nẵng bắt đầu. 15h ngày 29/3 trận tiến công và nổi dậy giải
phóng Đà Nẵng đã toàn thắng, tiêu diệt 10 vạn quân địch.
Trước diễn biến thuận lợi, ta đã kịp thời đánh giá đúng
tình hình: Cục diện chiến tranh đã có bước
phát triển nhảy vọt. Lực lượng quân sự, lực lượng chính trị và thế chiến lược của
ta đã hoàn toàn áp đảo, quân Nguỵ đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Mỹ dù có
can thiệp thế nào cũng không thể cứu vãn nổi quân Nguỵ. Thời cơ đã chín muồi để
quân và dân ta thực hành tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, thực hiện trận quyết
chiến lịch sử đánh thẳng vào hang ổ cuối cùng của địch ở Sài Gòn, tiêu diệt
toàn bộ nguỵ quân, đánh đổ toàn bộ nguỵ quyền giành thắng lợi. Ngày 14/4/1975 Bộ
Chính trị quyết định chiến dịch lịch sử có ý nghĩa then chốt thắng lợi được
vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Phương châm hành động của toàn
quân, toàn dân ta lúc này là: "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng,
giành thắng lợi hoàn toàn".
17h ngày 26/4/1975, quân ta được lệnh tổng công kích với 5
cánh quân gồm: Binh đoàn Quyết Thắng, Hương Giang, Cửu Long, Tây Nguyên và đoàn
232 cùng các đơn vị quân binh chủng đồng loạt tiến công trên 4 hướng: bắc và
đông bắc, đông và đông nam, tây bắc, tây và tây nam, nhanh chóng đánh chiếm các
mục tiêu trọng yếu của địch. Rạng sáng ngày 29/4 các cánh quân hùng mạnh của ta
từ nhiều hướng đồng loạt đánh vào Sài Gòn.
5h sáng ngày 30/4, quân ta mở đợt tiến công cuối cùng vào
tất cả các mục tiêu trong thành phố, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Bộ tư lệnh biệt
khu thủ đô Nguỵ, căn cứ Hải quân, cảng Bặch Đằng, đài phát thanh, Tổng nha cảnh
sát Trung ương, các đơn vị chủ lực Nguỵ bị tiêu diệt và tan rã hoàn toàn.
Vào lúc 10h45', xe tăng 390
húc đổ cổng Dinh Độc Lập đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch, buộc tổng thống
Dương Văn Minh và toàn bộ nội các đầu hành vô điều kiện. Đúng 11h30' ngày
30/4/1975 quân ta cắm lá cờ Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt
Nam
lên "Phủ Tổng thống Nguỵ". Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Thắng lợi hoàn toàn và triệt để của chiến dịch Hồ Chí Minh
lịch sử đã kết thúc 21 năm chống Mỹ cứu nước oanh liệt của nhân dân ta, làm phá
sản 4 kế hoạch chiến lược thực dân mới và chiến tranh xâm lược của Mỹ gồm:
"Chiến tranh đơn phương", "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến
tranh cục bộ", "Việt Nam hoá chiến tranh" của 5 đời Tổng thống Mỹ
(Ai-xen-hao, Ken-nơ-đi, Giôn-xơn, Nich-xơn và Pho). Mỹ đã chi trực tiếp cho cuộc
chiến tran ở Việt Nam
tới 676 tỷ đô-la, gấp 2 lần chiến tranh thế giới thứ 2.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là chiến
công vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ
nước của dân tộc ta. Đập tan hoàn toàn bộ máy quân sự khổng lồ và hiện đại nhất
ở Đông Nam Á, loại khỏi vòng chiến đấu 1,1 triệu tên địch, quét sạch bộ máy nguỵ
quyền, bộ máy kìm kẹp to lớn và tàn bạo mà đế quốc Mỹ ra sức xây dựng. Thắng lợi
của Việt Nam là thắng lợi của các lực lượng độc lập dân tộc, dân chủ và XHCN
trên thế giới, phá vỡ phòng tuyến mạnh nhất của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á. Góp phần
to lớn làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ, mở ra một
thời kỳ mới vô cùng thuận lợi cho phong trào cách mạng thế giới. Thắng lợi của
ta một lần nữa khẳng định chân lý vĩ đại: Trong thời đại mới, một dân tộc dù nhỏ
nhưng đoàn kết và kiên cường quyết chiến đấu, có đường lối chính trị và đường lối
quân sự đúng đắn, biết phát huy đầy đủ tiềm lực mọi mặt của đất nước, lại tranh
thủ được đồng tình ủng hộ quốc tế thì đều phá sản triệt để mọi mưu đồ thực dân
cũ và mới của đế quốc Mỹ, giành độc lập cho Tổ quốc, giành hoà bình, độc lập, tự
do, Nam Bắc nối liền một giải, cả nước đi lên CNXH, góp phần xứng đáng vào
phong trào cách mạng thế giới.
Cùng góp sức vào thắng lợi chung của dân tộc, trong những
năm kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ quân và dân Hải Hậu tiễn đưa 50 nghìn thanh
niên lên đường tòng quân giết giặc; 21 nghìn người đi thanh niên xung phong,
dân công, công nhân quốc phòng. Những người con của quê hương Hải Hậu đã tham
gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường và lập nhiều chiến
công xuất sắc.
Ở hậu phương, quân dân Hải Hậu đã hiệp đồng chiến đấu bắn
rơi, bắn cháy 13 máy bay, 3 tàu chiến Mỹ; đồng thời vừa anh dũng chiến đấu vừa
phải phát triển sản xuất đảm bảo đời sống của nhân dân và chi viện cho chiến
trường miền nam. Trong khó khăn gian khổ, Đảng bộ và quân dân trong huyện đã
đoàn kết một lòng, cùng chung ý chí "tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".
Khắp nơi trong huyện dấy lên phong trào thi đua, sôi nổi như: "Phụ nữ ba đảm
đang", "Thanh niên ba sẵn sàng", "Thiếu niên làm nghìn việc
tốt", "Thóc không thiếu một cân, quân khôn thiếu một người",
"Tay cày, tay súng-Tay trang, tay súng"; mọi người thi đua làm việc bằng
2 để góp phần chi viện cho tiền tuyến lớn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hải
Hậu đã đóng góp trên 170 nghìn tấn thóc; 11.131 tấn thịt lợn hơi, 685 nghìn tấn
muối cho miền nam ruột thịt. Đã
có trên 5 vạn con em các thế hệ lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên
khắp các chiến trường và đã lập lên những chiến công hiển hách. Quân và dân Hải
Hậu đã chi viện cho tiền tuyến hàng nghìn tấn lương thực,thực phẩm, muối, cá;
đã phối hợp với bộ đội bắn rơi 13 máy bay (trong đó độc lập bắn rơi 8 chiếc) và
bắn cháy 3 tàu chiến Mỹ.
Tổng kết các cuộc chiến
tranh giải phóng dân tộc, Hải Hậu có gần 5 nghìn người con ưu tú đã anh dũng hy
sinh, hiến dâng trọn tuổi xuân cho đất nước; gần 4 nghìn thương binh, bệnh binh
đã để lại một phần thân thể trên các chiến trường.
Qua các cuộc chiến
tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc đổi mới, huyện Hải Hậu có 42 tập thể
và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (23 tập thể; 19 cá nhân); 6 tập thể được
phong tặng Anh hùng lao động (Đảng bộ và
nhân dân huyện Hải Hậu, cán bộ, xã viên HTX nông nghiệp xã Hải Quang, Bệnh viện
đa khoa huyện, Công ty khai thác công trình Thủy lợi, Trường THPTA Hải Hậu, Đảng
bộ và nhân dân xã Hải Phương); 399 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó phong tặng
68 mẹ (hiện nay 8 mẹ còn sống), truy
tặng 331 mẹ. Đó là những trang sử được viết lên bằng xương máu, bằng mồ hôi và
cũng đẹp như khúc tráng ca của bao thế hệ người con Hải Hậu hiến dâng trọn đời
mình cho tổ quốc. Để thế hệ hôm nay, mai sau mãi mãi biết ơn, trân trọng, ngợi
ca!
Trong công cuộc đổi
mới, đất nước ta đứng trước những thời cơ và thách thức, các thế lực thù địch
luôn chống phá, chúng đẩy mạnh chiến lược "Diễn biến hòa bình", bạo
loạn lật đổ; nhưng người dân Hải Hậu, mảnh đất đầu sóng ngọn gió vẫn tuyệt đối
tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, tạo thêm thế và lực mới. Đảng bộ và
quân dân Hải Hậu đã nỗ lực phấn đấu giành được những kết quả tương đối toàn diện
trên các lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội, an ninh-quốc phòng, công tác xây
dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể. Trong sản xuất nông nghiệp có sự chuyển dịch
mạnh mẽ về cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa, làm muối năng suất
thấp sang nuôi trồng thuỷ hải sản và trồng cây màu có hiệu quả kinh tế cao; kết
cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường; sự nghiệp văn hoá, y tế, giáo dục tiếp tục
phát triển, đời sống nhân dân cải thiện nhiều mặt, số hộ nghèo giảm nhanh; an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn được giữ vững. Năng lực
lãnh đạo và sức chiến dấu của các tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. Đảng bộ và
quân dân Hải Hậu được Đảng và Nhà nước phong tặng: Anh hùng Lao động, Anh hùng
lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới.
Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống
nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), chúng ta có quyền tự
hào về sức mạnh con Lạc, cháu Hồng, đoàn kết triệu người như một đập tan mọi âm
mưu, thủ đoạn diễn biến hoà bình lật đổ của các thế lực thù địch bảo vệ vững chắc
bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Người Hải Hậu có quyền tự hào về truyền thống đánh
giặc giữ nước, quê hương 4 lần Anh hùng; Đảng bộ và quân dân Hải Hậu đoàn kết,
đổi mới, quyết tâm xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, văn minh./.
Huệ Quang